Amy Blog

Blog cá nhân chia sẻ về hành trình tập làm người lớn của cô gái Tây Nguyên.

Quyết định niềng răng của cô gái tuổi 30

30 tuổi có nên niềng răng?

Bài viết này khá dài, bởi mình viết bằng cả tấm chân tình của mình >,<. Mấy năm trời mình quanh quẩn với câu hỏi "có nên niềng răng không?", "nên niềng răng hay nên bọc răng sứ?". Tự hỏi miết để rồi mãi đến năm 30 tuổi mới chịu đi niềng răng. :(

Ở cái tuổi 30 (đặc biệt là đang còn độc thân) mình ngày càng nhận thức nhiều hơn tầm quan trọng của ngoại hình.

  • Chuyện đầu tiên mình nghĩ đến ngay là cái bớt bẩm sinh trên gương mặt của mình (chuyện này mình sẽ kể chi tiết hơn ở một bài viết khác).
  • Và chuyện thứ hai mình nghĩ đến là hàm răng, điều khiến mình mất khá nhiều tự tin khi giao tiếp và đặc biệt lúc cười.

Khi mình chưa vào Sài Gòn học Đại học, mình vô tư lắm, mình hoàn toàn không ý thức đến chuyện mình có một hàm răng không đều.

Hồi bé, mình có một cái răng cửa nằm chính giữa miệng, xoay lệch hẳn 90 độ và chỉa ra ngoài.

Nguyên nhân xuất phát từ việc em nó rụng sau khi hai răng bên cạnh đã thay răng vĩnh viễn và mọc lên khá lớn. Không còn chỗ mọc nên theo bản năng sinh tồn em nó buộc phải nghiêng mình rồi lệch hẳn ra khỏi quỹ đạo hàm.

Mình không thể diễn tả được hình ảnh lúc bấy giờ. Các bạn có thể tưởng tưởng giữa môi tự nhiên có một cái cục trắng trắng lòi ra. Nghĩ đến mình vẫn thấy rùng mình.

Cậu mình còn hay đùa: “mai mốt có gặp trộm, con chỉ cần nhe răng là trộm nó sợ chạy mất dép luôn".

May mắn thay, trong chuyến đi chơi Tết năm mình lên 9 tuổi, vô tình gặp chú bạn của mẹ mình là bác sĩ nha khoa. Mẹ mình liền hỏi thăm về chuyện nhổ em nó, bởi mẹ lo nhổ răng vĩnh viễn sẽ ảnh hưởng thần kinh. Và rồi, chỉ một câu nói của chú ấy “Dạ hoàn toàn không sao chị ạ" thế là mình chia tay em nó mãi mãi cùng ngày. Tuy vậy, nó chỉ giúp mình bớt hô, còn lệch hàm và răng to nhỏ thì không thay đổi.

Thực sự, sau này mình mà có con, gặp trường hợp tương tự chắc mình cho nhổ cả hàm một lần mọc lên cùng lúc cho đều quá. ;)))

Nói vui vậy thôi, mình chắc chắn sẽ tìm hiểu: Tips để con nít tuổi thay răng có răng đều và đẹp

Mình sẽ nói qua về tình trạng răng của mình hiện tại:

  • Răng khấp khểnh
  • Bản răng to nhỏ không đều
  • Răng bị lệch khớp cắn, mỗi lần ăn nhiều hoặc cắn đồ cứng thì mình bị đau thái dương
  • Hai răng cửa lệch hẳn khỏi nhân trung
  • Men răng vàng ố
30 tuổi có nên niềng răng không-2
Hình chụp răng mình khi đi khám phân tích răng

Học hết năm 4 Đại Học, vô tình thấy bạn mình khoe trên Facebook đang niềng răng được một năm. Mình vội vàng nhắn hỏi thăm liền hà.

  • Tình trạng răng của bạn mình: răng hô khá nhiều
  • Xử lý: nhổ 4 cái và niềng 3 năm.
  • Chi phí: Hồi đó bạn mình làm gần 20 triệu
  • Tư vấn của nó dành cho mình: đau lắm m ơi, nếu răng không quá tệ thì đừng làm.
  • Kết quả: mình sợ đau, lại nghe nhổ 4 cái răng vĩnh viễn là hoảng hồn và thấy lâu quá nên không niềng. Mình dại khờ đến mức không lên mạng tìm hiểu thêm, không đến bác sĩ tư vấn thử đã vội vàng bỏ cuộc.

Cứ thế thời gian thấm thoát thoi đưa, mình quên bẵng luôn cho đến một ngày...

.... mình mắc hứng selfie ngày càng nhiều. Mình thích chụp những tấm hình thật art để cúng Facebook. Và đây chính là dịp mình được nhìn rõ hàm răng nhiều hơn. Những tấm hình cười không tự nhiên, khuôn miệng bị lệch hẳn một bên, lộ rõ hàm răng nhấp nhô to nhỏ. Từ đó, mình dần ít cười lại hơn khi giao tiếp, chỉ mỉm chi với những shoot hình “lạnh lùng, cool-girl”.

Nỗi khổ của việc răng xấu

Ông bà mình từ xưa đã có câu “cái răng cái tóc là vóc con người". Nếu các bạn để ý kĩ, răng ảnh hưởng trực tiếp tới thẩm mỹ của khuôn mặt mỗi người. Mình nghĩ, ai sinh ra có được hàm răng đều đều là điều may mắn, thậm chí là cả một gia tài chứ chẳng chơi.

Nỗi khổ răng xấu-1

Răng xấu không dám cười

Như mình đã nói ở trên, nếu ngày càng nhận thức được sức nặng của hàm răng xấu thì chắc chắn sẽ dễ mất tự tin khi giao tiếp với người khác. Hơn thế nữa, nó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của công việc, đặc biệt những ai mà công việc phải ngoại giao nhiều.

Răng xấu hay bị trêu chọc

Đôi khi chỉ lơ là một khoảnh khắc thôi, tấm ảnh của bạn cùng hàm răng lộn xộn sẽ trở thành "món ăn tinh thần khoái chí" cho cả đám. Nếu như không muốn mặt mình thành meme thì nhất định mình sẽ tự nhủ không được cười nhe răng.

Nỗi khổ răng xấu-2

Răng xấu ảnh hưởng đến tình yêu theo cách này hay cách khác

Dù nghe thì hơi vớ vẩn, nhưng thực tế có nhiều cặp đôi đã thực sự chia tay vì bị thương khi hôn người yêu niềng răng hoặc vì phản đối chuyện niềng răng của người yêu mà không được.

Nỗi khổ răng xấu-3

Vậy có nên niềng răng không?

  • Khi mình lên Google tìm kiếm các thông tin như: khi nào nên niềng răng, độ tuổi thích hợp để niềng răng, lớn tuổi niềng răng được không,...
  • Hay tham gia vào các hội nhóm trên Facebook, bắt gặp nhiều cô chú lớn tuổi hay hỏi rằng:50 tuổi có niềng răng được không, 42 tuổi có nên niềng răng, 40 tuổi có nên niềng răng,...

Trả lời: Quan điểm của bản thân mình là "thà đẹp muộn còn hơn không bao giờ đẹp".

Theo Hiệp hội chỉnh hình răng hàm mặt Hoa Kỳ (AAO) & Hiệp hội nha khoa Hoa Kì (ADA):

  • Khuyến khích trẻ em nên khám, đánh giá về sự phát triển của xương hàm, răng vào lúc 7 tuổi. Trong giai đoạn này, các bác sĩ chỉnh nha có thể đánh giá và phát hiệm sớm những vấn đề về sự phát triển của hàm và các răng đang mọc, để đánh giá trẻ có cần điều trị chỉnh nha hay không.
  • Lứa tuổi thích hợp nhất để niềng răng là trong khoảng 8, 9 tuổi tới 18 tuổi vì đây là giai đoạn cấu trúc xương của trẻ vị thành niên đang trong quá trình hoàn chỉnh. Vì vậy, sẽ rất dễ uốn nắn các răng về vị trí theo ý mình. Thời gian đeo niềng răng sẽ ngắn và hiệu quả đạt được sẽ cao. Hơn nữa niềng răng trong độ tuổi này sẽ thuận lợi hơn nhiều khi trẻ có rất nhiều thời gian và không vướng bận nào vào công việc hay lo ngại về vấn đề thẩm mỹ.

Vậy không ở độ tuổi lý tưởng đó thì sao?

Trả lời:

Người lớn vẫn có thể được điều trị chỉnh hình răng mặt. Nhưng thời gian điều trị sẽ kéo dài và có thể gặp khó khăn hơn so với trẻ em vì cấu trúc xương hàm của người lớn lúc này đã không còn tăng trưởng.

Về mặt y khoa thì hoàn toàn không có giới hạn độ tuổi niềng răng mà chỉ cần xương tốt, đủ điều kiện sức khỏe thì vẫn có thể thực hiện được.

Ở các nước phát triển, việc trong gia đình có ba thế hệ cùng niềng răng không phải là hiếm. Tuy nhiên, việc chỉnh nha ở các bệnh nhân cao tuổi cần có sự thăm khám cẩn thận của bác sĩ có tay nghề cao để đảm bảo tiên lượng tốt và đưa ra phác đồ điều trị chính xác.

Niềng răng có lợi gì?

Trường hợp của mình, dù sớm dù muộn cũng phải niềng. Bởi vì về lâu về dài chuyện lệch khớp cắn, ảnh hưởng đến chức năng nhai của mình rất nhiều. Đồng thời, thái dương của mình cực kì đau, nếu chưa xét đến chuyện thẩm mỹ, thì hàm răng lệch hiện tại đã và đang ảnh hưởng đến sức khoẻ của mình khá nhiều. Niềng răng xong thì sẽ:

  • Giúp hàm răng đều đẹp, hài hoà và cân đối
  • Đưa khớp cắn về tương quan chuẩn
  • Tạo lực đầu đủ để đảm bảo chức năng nhai tối đa
  • Ngăn ngừa nguy cơ bệnh lý răng miệng: sâu răng, viêm nướu, hôi miệng,...

Niềng răng có tác hại gì không?

Bên dưới là tổng hợp 6 tác hại tiềm ẩn của việc niềng răng mà các nha sĩ sẽ không bao giờ tiết lộ cho bạn:

Khả năng sâu răng tăng cao

Khi niềng răng, bạn chắc chắn sẽ khó vệ sinh răng hơn thông thường. Bởi vì lúc này bàn chải đánh răng khó len lỏi vào các ngóc ngách trong kẽ răng. Và khả năng gây ra sâu răng sẽ tăng đó.

Có thể mất canxi răng

Tình trạng vệ sinh răng kém có thể làm xuất hiện các vết trắng đục trên răng. Điều này xảy ra do các vi khuẩn làm mất các khoáng chất có trên men răng, đặc biệt là canxi.

Xảy ra phản ứng dị ứng

Cơ thể của bạn có thể gặp phản ứng dị ứng với dây thun cao su latex được sử dụng trong dây cung niềng hoặc mắc cài kim loại.

Nguy cơ bị tiêu chân răng

Tiêu chân răng (root resorption) là chân răng bị rút ngắn lại trong khoảng thời gian niềng răng. Thực tế, điều này thường không quá ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, do chân răng chỉ bị tiêu phần nhỏ. Trường hợp hiếm thì có thể bị tiêu mất 50% chân răng. Nguyên nhân của tình trạng tiêu chân răng hiện vẫn chưa rõ, nhưng việc đeo niềng răng trong khoảng 3 năm có thể làm tăng nguy cơ xảy ra vấn đề này.

Có thể bị cứng liền khớp

Chứng cứng liền khớp (ankylosis) là tình trạng hiếm gặp có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, có thể xảy ra do chân răng tích hợp vào xương. Tình trạng này sẽ khiến răng không thể dịch chuyển dù đã niềng răng, và tất cả các răng xung quanh sẽ bắt đầu di chuyển xung quanh. Kết quả gây hở các kẽ răng.

Răng có thể về lại vị trí cũ

Mặc dù đây không phải là tác hại của niềng răng, nhưng tình trạng răng dịch chuyển về vị trí cũ là vấn đề phổ biến sau khi tháo niềng răng. Nếu bạn không đeo hàm duy trì (retainer) thường xuyên, răng có thể dễ dàng trở về chỗ cũ, đặc biệt là ngay sau khi tháo niềng.

***

Còn việc trả lời cho câu hỏi: niềng răng có nguy hiểm không?

Bạn cần hiểu được bản chất niềng răng chỉ là phương pháp chỉnh nha an toàn giúp răng về đúng vị trí chuẩn, đúng khớp cắn. Mức độ nguy hiểm của niềng răng phụ thuộc vào hai yếu tố:

  • Tay nghề của nha sĩ, bác sĩ thực hiện
  • Ý thức chăm sóc răng miệng của bạn

Trên đời này, không một điều gì là chắc chắn thành công 100%. Chuyện gì cũng sẽ có rủi ro của nó.

Mỗi người một lý do, nhưng về cơ bản thì những người quyết định niềng răng đều vì những nguyên nhân chung là có hàm răng chưa thực sự đẹp như răng khấp khểnh, răng thưa, răng hơi hô,...

Với rất nhiều lợi ích như có hàm răng đều hơn, đẹp hơn, ăn uống dễ dàng hơn, sức khoẻ răng miệng tốt hơn, thì điều có thể dễ dàng nhận ra nhất chính là thay đổi gương mặt sau khi niềng theo hướng tích cực.

Nhìn những người đã trải qua niềng răng và có một hàm răng đẹp, chắc hẳn các bạn sẽ ngạc nhiên, ngưỡng mộ và ngay lập tức muốn đi niềng răng để trở nên xinh đẹp như họ.

Mình bây giờ 30 tuổi mới bắt đầu niềng răng, bỏ ngoài tai những lời ngăn cản của mọi người: răng khểnh đang đẹp mà niềng thành xấu đó, lớn tuổi rồi niềng làm gì nữa, không tính lấy chồng à?,... Thực sự, chỉ có bản thân mình mới lắng nghe được cơ thể mình và trái tim mình muốn gì nhất.

Vậy nên, các bạn nhỏ tuổi hơn mình đừng đặt những câu hỏi như: 28 tuổi niềng răng được không? 27 tuổi có nên niềng răng, 25 tuổi niềng răng được không? 20 tuổi niềng răng được không nữa?

Hãy niềng răng sớm nhất khi bạn có thể và chọn một nơi thật uy tín với đội ngũ bác sĩ có TÂM, tay nghề cao.

Đặc biệt, những bạn đang có ý định bọc răng sứ, hãy từ bỏ nếu bạn có cấu trúc hàm đang không đều, răng cửa lệch khỏi nhân trung như mình. Bên dưới là hình ảnh phân tích nụ cười của mình.

Bọc sứ sẽ không giải quyết được gì ngoài làm cho răng trắng và đều đặn hơn một chút so với ban đầu. Bên cạnh đó, chi phí bọc răng sứ cả 2 hàm không hề rẻ, bác sĩ cũng khuyên mình hãy niềng răng trước rồi sau đó muốn làm gì cũng dễ.

Hình ảnh trước và sau khi bọc răng sứ

Niềng răng xong, khung hàm đều, răng về đúng vị trí. Lúc đó các bạn có thể lựa chọn nhiều phương pháp thẩm mỹ khác để đẹp thêm: tẩy trắng răng hoặc phủ răng sứ veneer,...

Nên chọn niềng răng loại nào?

Hiện nay, có 4 loại niềng phổ biến như sau:

  • Mắc cài kim loại: chất liệu bằng inox hoặc kim loại không gỉ có khả năng chịu lực tốt. Bao gồm: loại thường và mắc cài tự khoá

Loại thường: Dùng dây thun để buộc dây cung vào từng mắc cài cho từng răng. Ban đầu sẽ có cảm giác hơi vướng víu và khó chịu, sau đó sẽ quen dần.

Mắc cài kim loại thường

Tự khoá: không cần dùng đến dây thun, thiết kế có nắp trượt (hoặc cánh kim loại) giúp giữ dây cung trong mắc cài. Dây cung sẽ trượt một cách tự do trong rãnh mắc cài, vì vậy mà lực ma sát sẽ giảm tối đa và rút ngắn được thời gian điều trị.

Mắc cài tự khoá

  • Mắc cài sứ: được thiết kế từ sứ kết hợp dây cung trong suốt. Bao gồm loại thường và mắc cài tự khoá (Tương tự mắc cài kim loại)

Mắc cài sứ thường:

Mắc cài sứ thường

Mắc cái sứ tự khoá (tự buộc):

Mắc cài sứ tự buộc

  • Mắc cài mặt lưỡi (Niềng răng mắc cài mặt trong) là phương pháp chỉnh nha “giấu” các mắc cài vào trong.

Niềng răng mặt lưỡi (niềng mặt trong)

  • Invisalign (Niềng răng trong suốt | Niềng răng vô hình): Khay niềng trong suốt như vô hình, thoải mái tháo lắp.

Mắc cài trong suốt Invisalign

Bên dưới là bảng so sánh ưu nhược điểm của từng loại mắc cài:

Bảng so sánh ưu nhược điểm các loại niềng răng

*Ghi chú: Chi phí dao động tùy thuộc vào mức độ lệch lạc răng và tuỳ vào Nha khoa. Nhưng mình đang thống kê trung bình những Nha khoa có tiếng ở Tp.HCM mình từng liên hệ.

Tóm lại nên niềng loại nào? Quan điểm cá nhân của mình thì:

  • Nếu vấn đề giao tiếp với hàm răng sắt không quá cản trở cuộc sống: chọn niềng răng kim loại mắc cài tự khoá. Vừa rẻ nhất và vừa hiệu quả nhất. Bản thân mình sau nhiều phân vân, mình cũng đã chọn loại niềng này.
  • Nếu giao tiếp trong công việc quá quan trọng và răng bạn cũng không quá nặng: chọn niềng răng mặt lưỡi.

Trích đoạn chia sẻ của bạn Kelly Nguyễn:

Vài lời khuyên cho những đứa đang niềng răng.

Hãy tự tin lên! Ai chê hay nói ra nói vào thì niệm thần chú rồi răng mình sẽ đẹp hơn răng bạn, mình sẽ có nụ cười toả nắng chiếu thẳng vào mặt bạn!

Hãy tuân thủ 100% những gì bác sĩ dặn, có bất kì ‘biến’ gì với niềng phải đi gặp bác sĩ ngay để kịp thời chỉnh sửa. Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian niềng hoặc ít nhất là sẽ kết thúc đúng thời hạn. Đặc biệt nên ‘khâu’ bớt mồm lại, bớt gặm chân gà, nhai xương lại để tránh mắc cài rơi (có khi nuốt luôn vào bụng đấy. Mà lỡ có nuốt thì đừng lo vì sẽ đi vệ sinh ra thôi, không chết đâu).

Giữ gìn vệ sinh răng miệng thật kĩ. Hạn chế uống trà, cà phê, hút thuốc, ăn thức ăn màu nếu không muốn khi tháo niềng răng chỗ trắng, chỗ vàng và xỉn như mấy bác rít thuốc lào lâu năm.

Thật sự nên đầu tư một cây tăm nước (water flosser). Cái máy này theo mình là phát minh vĩ đại nhất của loại người cho răng miệng. Rất dễ sử dụng, dễ mang đi và giúp lấy sạch sẽ thức ăn thừa trong kẽ răng mà không làm thưa răng. Niềng răng thức ăn sẽ dính vào niềng, kẽ răng rất nhiều mà nếu không lấy hết ra thì hơi thở không thơm đâu nhé!

Chịu khó nhai đều 2 bên, nhai kĩ chậm để chống hóp thái dương và má.

Đứa nào đang thắc mắc niềng răng có hôn được không? Thì xin thưa là có nhé! Bình thường như cân đường hộp sữa luôn, chẳng ảnh hưởng gì đâu.

Nếu đang phân vân giữa invisalign, niềng sắt hay niềng sứ. Thì mình khuyên nên chọn niềng sắt (đặc biệt cho răng cần chỉnh nhiều). Niềng sắt theo mình thì hiệu quả hơn, nhanh hơn và đặc biệt lúc tháo đỡ ‘thốn’ hơn. Invisalign chỉ dành cho trường hợp cực nhẹ, chỉnh cực ít và thường kết quả chỉ được 90 – 95% thôi”.

Hình ảnh trước và sau khi niềng răng

Mình post vài hình ảnh trước - sau khi niềng răng của các bạn đã làm để chúng ta cùng có động lực xách mông lên và đến gặp bác sĩ tư vấn ngay nhé.

Bạn Đinh Hương Giang: niềng mặt lưỡi (niềng mặt trong) được 3 tháng 1 tuần (từ 8/11/2019), nhổ 4 răng 4. Răng chạy khá nhanh, ngoài sự tưởng tượng.

Hình ảnh trước và sau khi niềng răng-1

(Nguồn: Group Nhật kí niềng răng, FB Đinh Hương Giang)

Bạn Phương Thuý Hồng: thay đổi diện mạo đến bất ngờ. Quá xinh xắn.

Hình ảnh trước và sau khi niềng răng-2

(Nguồn: Group Nhật kí niềng răng, FB Hong Thuy Phuong)

Ca sĩ Hồng Nhung: hồi nhỏ mình cứ thắc mắc, sao cô Hồng Nhung răng khểnh đẹp vậy lại nhổ đi mất. Bây giờ nhìn hình ảnh cô cười mới hiểu được lý do.

Hình ảnh trước sau niềng răng Hồng Nhung

Nữ kiện tướng Dance spost Khánh Thi: có hàm răng khấp khểnh, xỉn màu. Cô quyết định niềng răng và bạn có thể nhận ra sự thay đổi khá lớn khi Khánh Thi cười.

Hình ảnh trước sau niềng răng Khánh Thi

Vlogger Hậu Hoàng: bé này có một clip khá dễ thương, nổi tiếng lan truyền trên mạng xã hội về "Niềng răng có đau không?". Các bạn có thể search Youtube để xem nhé. Khi nhận ra được nỗi khổ của răng xấu (dù nhìn vào răng khểnh của bé cũng không đến nỗi nào), cô bé đã năn nỉ ba mẹ cho đi niềng.

Hình ảnh trước và sau niềng răng Hậu Hoàng

Hiện nay, Nha khoa nào mình cũng thấy có các chương trình trả góp 0%. Như chương trình ở Nha khoa mình đang làm là trả góp 1 triệu/tháng cho đến khi nào hết. Vì vậy, tài chính không còn quá áp lực như ngày trước nữa.

Đến đây thì còn chần chờ gì nữa, niềng răng thôi các bạn!


>>> Các bạn theo dõi thêm các bài viết của mình trong chuỗi hành trình niềng răng của cô gái tuổi 30 nhé:

  • Quy trình niềng răng đầy đủ và chi tiết nhất (Mình sẽ mô tả từ thực tế mỗi lần mình đến Nha Khoa)
  • Hướng dẫn vệ sinh răng miệng khi niềng răng đúng cách
  • Thực đơn không chán mỗi ngày cho người niềng răng
  • Những dấu hiệu khi mới niềng răng là gì?